Viêm khớp dạng Gút, Nguyên nhân và cách điều trị
Bệnh Gout là gì?
Bệnh Gout (hay còn gọi là Gút, trong tiếng Pháp là Goutte, có nghĩa là giọt nước) nó còn có tên gọi khác là bệnh thống phong.
Bệnh gút xảy ra khi cơ thể có quá nhiều axit uric trong máu. Và chúng kết tinh tạo thành các tinh thể sắc nhọn ở một hoặc nhiều khớp của bạn. Lúc đó sẽ xuất hiện tình trạng gọi là cơn gút cấp đi kèm với tình trạng sưng đau dữ dội đột ngột ở khớp. Cơn gút cấp thường kéo dài từ 3 đến 10 ngày. Nhưng 36 giờ đầu tiên thường là đau nhất. Sau đợt đầu tiên, một số người có thể sẽ không tái phát lại cơn gút trong ít nhất vài tháng hoặc có thể vài năm. Ngoài ra, giữa các đợt gút cấp thì bệnh nhân hoàn toàn không có triệu chứng nào.
Bệnh gút thường xảy ra phổ biến nhất tại vị trí ngón chân cái. Tuy nhiên, ở một số người thì tinh thể axit uric cũng có thể xuất hiện ở các vị trí như:
- Khớp đầu gối,
- Mắt cá chân,
- Bàn chân,
- Bàn tay,
- Cổ tay
- Khuỷu tay…
Các giai đoạn của bệnh gout
Bệnh gout được chia làm 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Sự tăng axit uric máu nhưng trên cơ thể chưa thấy xuất hiện triệu chứng.
- Giai đoạn 2: Viêm khớp xảy ra, có 1 khớp bị sưng đau thường là khớp ở ngón chân cái, cách vài ngày sẽ xuất hiện cơn đau. Xảy ra trong khoảng 2 năm.
- Giai đoạn 3: Còn gọi là giai đoạn đau khoảng cách, không có triệu chứng trong giai đoạn này.
- Giai đoạn 4: Nếu gout không được chữa trị trong khoảng 10 năm, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính. Gout sẽ tấn công vào các khớp làm cho người bệnh có khả năng bị tàn phế.
Triệu chứng của bệnh Gout
Triệu chứng bệnh gout thường xảy ra đột ngột và vào ban đêm. Một số triệu chứng và dấu hiệu cấp tính của bệnh gout có thể kể đến như:
- Đau khớp, sưng đỏ khớp, thường sẽ đau đột ngột, dữ dội.
- Đau đột ngột vào ban đêm và tại chỗ khớp viêm biểu hiện là sưng, nóng, đỏ, đau, hạn chế vận động.
- Vị trí đau: Khoảng 80 – 90% cơn gout đầu tiên sẽ xảy ra ở một khớp và thường gặp nhất là khớp ngón chân. Kế tiếp là các khớp khác như: Mu bàn chân, cổ chân, gót chân, gối, cổ tay, ngón tay, khuỷu tay…
- Đau thường xuất hiện đột ngột hoặc sau bữa ăn nhiều protid, gắng sức, căng thẳng, nhiễm lạnh, chấn thương… đặc biệt là sau khi uống rượu bia.
- Tình trạng đau thường xảy ra trong 24 – 48 giờ và kéo dài từ 3 đến 10 ngày rồi tự khỏi
- Càng về sau đợt viêm cấp càng kéo dài, không tự khỏi, biểu hiện ở nhiều khớp, đối xứng và để lại các di chứng cứng khớp, teo cơ, hạn chế vận động…
Bệnh Gout có nguy hiểm không?
Căn bệnh này nếu được điều trị kịp thời và hiệu quả thì sẽ không gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người mắc. Tuy nhiên, nếu bệnh tiến triển lâu dài và không được chữa trị thì có thể gây ra những hậu quả như:
- Bệnh tái phát: Sau khi điều trị khỏi, bệnh gút vẫn có thể tái phát và gây nhiều cơn đau cho bệnh nhân. Nếu bệnh không được kiểm soát kịp thời có thể gây phá hủy khớp của bạn.
- Bệnh tiến triển hình thành các cục tophi trong khớp. Nguyên nhân là do bệnh không được điều trị triệt để. Có thể thấy các hạt tophi ở sụn vành tai, khủy tay, ngón chân, gót chân, mu bàn chân, gân Achille. Có thể xuất hiện cứng khớp, sưng khớp gây biến dạng, hạn chế vận động khớp.
- Sỏi thận: Nếu các tinh thể urat quá nhiều sẽ gây tổn hại đến thận của bạn. Chúng tích tụ tại thận và hình thành nên sỏi đường tiết niệu.

Nguyên nhân gây nên bệnh Gout
Nguyên nhân chính gây ra gout là do tình trạng tăng acid uric máu dẫn đến viêm khớp và đau nhức dữ dội. Một số các nguyên nhân khác như:
- Sử dụng nhiều thực phẩm giàu purin: Purin sau khi được phân hủy tạo thành acid uric. Khi cơ thể ăn nhiều thực phẩm chứa purin như: thịt đỏ, nội tạng, một số loại đậu, hải sản,… sẽ gây tăng acid uric trong máu.
- Sử dụng đồ uống có cồn, nước ngọt, nhiều đường: Các loại đồ uống có cồn và nước ngọt làm tăng chuyển hóa purin. Từ đó gây tăng acid uric máu.
- Giảm đào thải acid uric do giảm chức năng thận: Acid uric tan trong nước và được đào thải qua thận. Sau khi sản sinh ra acid uric nhưng thận không đào thải được. Hoặc đào thải quá ít qua nước tiểu. Từ đó làm tăng nồng độ acid uric trong máu.
Ngoài ra, một số yếu tố dưới đây gây tăng nguy cơ bị bệnh gout:
- Giới tính: chủ yếu gặp ở nam giới. Có thể là do lối sống, chế độ ăn nhiều đạm, sử dụng rượu, bia, thuốc lá,…
- Tuổi: nam giới trong khoảng 30 – 50 tuổi và phụ nữ sau mãn kinh.
- Yếu tố gia đình: thường liên quan đến môi trường sống có chung chế độ ăn và lối sống.
- Béo phì hay thừa cân.
- Bệnh liên quan đến enzyme phân hủy purin.
- Môi trường sống hoặc làm việc phơi nhiễm với chì.
- Tiền sử dùng các loại thuốc lợi tiểu, aspirin, cyclosporin hoặc levodopa, vitamin niacin (PP hay B3).
Phương pháp chẩn đoán
Bác sĩ sẽ khai thác kỹ càng triệu chứng, tiền sử bệnh và các yếu tố nguy cơ khác. Sau đó tiến hành khám khớp để đánh giá mức độ tổn thương. Và thiết lập chế độ vận động phù hợp. Ngoài ra bác sĩ sẽ khám các biến chứng đi kèm như sỏi thận, suy thận…
Các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh gout cũng như loại trừ các bệnh lý khác tại khớp như:
- Đo nồng độ acid uric máu: Thường tăng cao trên 7 mg/dl (420 micromol/l) ở nam và trên 6 mg/dl (360 micromol/l) ở nữ.
- Xét nghiệm dịch khớp: Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh gout. Dịch khớp có chứa tinh thể acid uric nhọn ở 2 đầu cùng với tăng số lượng tế bào bạch cầu trong dịch khớp cho phép chẩn đoán bệnh.
- Chụp X-quang khớp: Để đánh giá tình trạng hẹp diện khớp, tổn thương xương kèm theo.
- Siêu âm khớp: Vừa để chẩn đoán vừa để loại trừ các nguyên nhân gây viêm khớp khác như viêm khớp nhiễm khuẩn, thoái hóa khớp, thấp khớp, tràn mủ khớp,… .Ngoài ra, có thể sử dụng siêu âm để hỗ trợ chọc dò lấy dịch khớp làm xét nghiệm.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phát hiện sự lắng đọng tinh thể urat trong mô. Hạt tophi trên phim chụp có đặc điểm giảm tín hiệu ở trung tâm. Và tăng tín hiệu ở viền sau giai đoạn tiêm thuốc.
- Chụp cắt lớp vi tính năng lượng kép (DECT – Dual energy CT): Không chỉ giúp phát hiện sự lắng đọng của tinh thể urat sớm. Mà còn để phát hiện những tổn thương khác trong bệnh gout. Đặc biệt hữu ích khi không làm được xét nghiệm dịch khớp hoặc xét nghiệm tìm tinh thể urat âm tính.
- Ngoài ra, có thể kết hợp thêm các xét nghiệm phát hiện biến chứng bệnh: Đánh giá chức năng thận bao gồm định lượng ure, creatinin máu, siêu âm thận, chụp hệ tiết niệu có chuẩn bị (UIV),…
.png)
Phương pháp điều trị Gout hiệu quả
Có hai loại thuốc điều trị gút và tập trung vào hai vấn đề khác nhau:
- Loại đầu tiên giúp giảm viêm và đau do các cơn gút cấp bao gồm:
– Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID),
– Thuốc kháng viêm corticosteroid, Colchicine.
- Loại thứ hai giúp ngăn ngừa biến chứng bệnh gút bằng cách hạ thấp lượng axit uric trong máu. Và ngăn ngừa tái phát cơn gút cấp: Allopurinol, febuxostat, probenecid.
Bên cạnh việc dùng thuốc, bác sĩ có thể đề nghị bạn cần thay đổi lối sống. Để giúp kiểm soát các triệu chứng và giảm nguy cơ bị các cơn gút trong tương lai. Ví dụ như:
- Giảm lượng rượu uống vào;
- Giảm cân, nếu bạn thừa cân;
- Bỏ thuốc lá nếu có hút thuốc.
Số lần xem: 509